Ngành Hải quan chủ động phòng, chống và xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm pháp luật

Công tác hải quan luôn được xem là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, luôn “nóng” và tiềm ẩn nguy cơ về tham nhũng, tiêu cực. Vậy ngành Hải quan đã, đang và sẽ có các biện pháp đấu tranh phòng, chống như thế nào? Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình trả lời phỏng vấn của Báo Hải quan xoay quanh vấn đề này.

Lực lượng Hải quan thực hiện phân tích hình ảnh tại Phòng Giám sát Hải quan trực tuyến-

Cục Điều tra chống buôn lậu. (Ảnh: Q.H)

Trước tiên phải khẳng định rằng, trong một môi trường làm việc hết sức nhạy cảm, gắn với tiền, hàng, vì thế việc thực hiện Liêm chính hải quan là một nhiệm vụ quan trọng đối với bất kỳ một cơ quan Hải quan nào trên thế giới. Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đã xác định Liêm chính hải quan là nền tảng quan trọng của một cơ quan Hải quan hiện đại.

Chính vì vậy, cùng với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trọng tâm như: Thu ngân sách Nhà nước; tạo thuận lợi cho hoạt động XNK; bảo vệ chủ quyền lợi ích quốc gia…, những năm qua, Tổng cục Hải quan luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, quyết liệt, công khai, minh bạch với nhiều giải pháp đồng bộ cả “xây và chống”, gắn kết chặt chẽ với xây dựng lực lượng Hải quan trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại

Về mặt thể chế, Tổng cục Hải quan đã tích cực xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động hải quan một cách thống nhất theo hướng cải cách, đơn giản hóa, tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về quản lý hải quan hiện đại.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng thường xuyên quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tới toàn thể đội ngũ công chức, người lao động; đồng thời ban hành nhiều văn bản quy định về văn hóa, thái độ ứng xử của công chức hải quan trong thực thi công vụ như Tuyên ngôn phục vụ khách hàng (ban hành theo Quyết định 225/QĐ-TCHQ ngày 9-2-2011, được sửa đổi, bổ sung năm 2015); Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người hợp đồng lao động ngành Hải quan (Quyết định 557/QĐ-TCHQ ngày 18-02-2013); kế hoạch chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng trong ngành Hải quan năm 2015 (Quyết định 3749/QĐ-TCHQ ngày 15-12-2014); kế hoạch kiểm tra phòng, chống tham nhũng trong ngành Hải quan năm 2015 (Quyết định 257/QĐ-TCHQ ngày 29-01-2015); kế hoạch kiểm tra nội bộ của các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan năm 2015 (Quyết định 253/QĐ-TCHQ ngày 29-01-2015)…

Song song với đó, Tổng cục Hải quan đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Theo đó, Tổng cục Hải quan đã tăng cường công tác giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của công chức, viên chức, người lao động hải quan, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu ở Hải quan các cấp trong xây dựng lực lượng…

Thưa Phó Tổng cục trưởng, có thể thấy hệ thống văn bản liên quan tương đối đầy đủ, vậy Tổng cục Hải quan đã có những giải pháp cụ thể gì, đặc biệt là sự chủ động trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phát hiện một số vụ việc vi phạm?

Thời gian qua, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng của Tổng cục Hải quan đã chủ động chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện quyết liệt công tác kiểm tra nội bộ; thực hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nổi bật là thành lập nhiều Đoàn công tác (theo kế hoạch và đột xuất) với nòng cốt là Thanh tra Tổng cục; Cục Điều tra chống buôn lậu, Vụ Tổ chức cán bộ… tiến hành kiểm tra nội bộ; thanh tra, giám sát đột xuất để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, nhũng nhiều của công chức hải quan, đồng thời phát hiện và kịp thời chấn chỉnh sai phạm trong hoạt động nghiệp vụ tại các đơn vị, nhất là liên quan đến kỷ cương, kỷ luật, thái độ ứng xử trong thực thi công vụ.

Với sự chủ động, ngành Hải quan đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý những trường hợp công chức hải quan có hành vi sách nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Ví dụ như trường hợp vi phạm xảy ra tại Cục Hải quan An Giang, Tổng cục Hải quan sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường về hoàn thuế giá trị gia tăng tại đây. Lãnh đạo Tổng cục Hải quan kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính và chỉ đạo lực lượng chức năng (Thanh tra, Cục Điều tra chống buôn lậu…) thực hiện ngay kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đấu tranh làm rõ, đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, công khai những công chức vi phạm theo quy định của pháp luật.

Hay vụ việc lực lượng Hải quan chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời Công ty CP Thực phẩm Công nghiệp Sài Gòn có hành vi xuất khống mặt hàng thuốc lá nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế Giá trị gia tăng và thuế Tiêu thụ đặc biệt tại khu vực cảng Sài Gòn khu vực I (tháng 9-2013).

Bên cạnh đó, qua công tác điều tra chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan, cơ quan Hải quan đã phát hiện nhiều vụ việc chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền.

Qua các vụ việc này, ngành Hải quan đã phát hiện những kẽ hở trong chính sách pháp luật và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi bổ sung các qui định đảm bảo chặt chẽ, ngăn chặn gian lận.

Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đi vào thực chất, ngoài những giải pháp như đề cập ở trên, Tổng cục Hải quan đã thành lập và  đưa vào hoạt động Đội Kiểm tra giám sát đột xuất và thiết lập đường dây nóng (0988.315.858 và 0975.996.255) để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh tiêu cực của công chức hải quan hoặc các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.

Thời gian qua, kênh thông tin qua đường dây nóng đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần phòng, chống tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu của công chức hải quan.

Có nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực Hải quan cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa công chức hải quan và doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan có giải pháp gì để thực hiện vấn đề này, thưa Phó Tổng cục trưởng?

Để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa công chức hải quan và doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã và đang đẩy mạnh tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Tổng cục Hải quan đã rà soát, chuẩn hóa các thủ hành chính trong lĩnh vực Hải quan để công bố rộng rãi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện.

Về công tác hiện đại hóa hải quan, Tổng cục Hải quan được xem là một trong những đơn vị đi đầu về ứng dụng CNTT vào hoạt động chuyên môn nghiệp vụ như: Triển khai Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS trên phạm vi toàn quốc; triển khai chính thức Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN (tháng 9-2015); đẩy mạnh phối hợp thu, nộp thuế qua phương thức điện tử với 28 ngân hàng thương mại; tăng cường hiệu quả sử dụng các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hải quan như máy soi container, camera giám sát; thực hiện địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại cửa khẩu…

Đặc biệt, năm 2015, ngành Hải quan đã chính thức đưa vào hoạt động Phòng Giám sát Hải quan trực tuyến (tại trụ sở Tổng cục Hải quan) với hệ thống camera giám sát được kết nối thông suốt với các hệ thống trang thiết bị kiểm tra giám sát hiện đại của ngành Hải quan. Thông qua Hệ thống camera giám sát, máy soi chiếu container, hệ thống cân ô tô điện tử, hệ thống máy soi chiếu hành lý, hàng hóa, hệ thống dữ liệu xuất nhập khẩu… được kết nối về Phòng Giám sát Hải quan trực tuyến, lãnh đạo Tổng cục Hải quan và lực lượng chức năng có thể kiểm tra, giám sát toàn bộ hoạt động XNK, quá trình giải quyết thủ tục của công chức hải quan  ở các địa bàn có lưu lượng hàng hóa XNK quan trọng như sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP.HCM), khu cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn… nhằm phát hiện các dấu hiệu bất thường tại cửa khẩu, kịp thời can thiệp, ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Có thể nói, với các giải pháp trên việc thực hiện thủ tục hải quan của cộng đồng doanh nghiệp, người dân ngày càng thuận tiện, giảm thời gian thông quan hàng hóa, từng bước hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp của công chức hải quan với doanh nghiệp. Qua đó, góp phần ngăn chặn các hành vi móc nối, tiêu cực.

Đối với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác quản lý cán bộ,công chức luôn có vai trò then chốt, Phó Tổng cục trưởng có thể cho biết giải pháp này được Tổng cục Hải quan triển khai như thế nào?

Một trong những giải pháp góp phần ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng là luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác với cán CBCC, viên chức. Từ cuối năm 2014 đến hết năm 2015, Tổng cục Hải quan đã luân chuyển, luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác, điều động 2.019 lượt CBCC. Trong đó, khối cơ quan Tổng cục 143 lượt và các Cục Hải quan địa phương là 1.876 lượt.

Việc luân chuyển, luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác, điều động chính là bồi dưỡng, rèn luyện, đào tạo để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng một cách toàn diện cho CBCC hoàn thành tốt nhiệm vụ; chống sự trì trệ và tạo động lực để cán bộ  đổi mới, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hải quan. Đặc biệt, đây cũng là giải pháp quan trọng để ngăn chặn, phòng ngừa các biểu hiện bè phái, tiêu cực, sai phạm có thể xảy ra…

Tổng cục Hải quan cũng quan tâm đến đời sống vật chất của công chức hải quan để đảm bảo mục tiêu 3 không là: Không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng.

Mặc dù ngành Hải quan đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhưng thực tế vẫn có trường hợp công chức hải quan vi phạm pháp luật, quan điểm xử lý của Tổng cục Hải quan với những trường hợp này như thế nào, thưa Phó Tổng cục trưởng?

Quan điểm của Tổng cục Hải quan là chủ động phòng, chống, ngăn chặn vi phạm, tiêu cực trong cán bộ, công chức. Trong trường hợp vi phạm phải kiên quyết xử lý, không bao che, dung túng đối với những cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực dù là cán bộ ở cấp nào. Thực tế thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã chủ động kiểm tra, phát hiện và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, công khai những trường hợp công chức hải quan vi phạm pháp luật. Năm 2015, ngành Hải quan đã xử lý kỷ luật đối với 18 trường hợp cán bộ, công chức vi phạm. Trong đó khiển trách 11 trường hợp, cảnh cáo 6 trường hợp và buộc thôi việc đối với 1 trường hợp.

Thời gian tới, ngành Hải quan tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm công khai, minh bạch qui trình thủ tục, bên cạnh đó có sơ chế giám sát, kiểm tra chặt chẽ như tăng cường công tác thanh tra công vụ, duy trì và củng cố đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp, duy trì có hiệu quả các cuộc đối thoại giữa Hải quan- doanh nghiệp… để hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của đội ngũ công chức thừa hành. Ngoài sự chủ động, quyết liệt của Ngành, Tổng cục Hải quan cũng luôn mong muốn nhận được sự phối hợp, hợp tác hiệu quả của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, người dân, doanh nghiệp để đấu tranh một cách hiệu quả hơn nữa.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng cục trưởng!

Theo báo hải quan.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin tức liên quan